top of page

điều bố mẹ có thể thực hành để làm bạn cùng con

1. Dành thời gian riêng với con

Trong guồng quay cuộc sống đầy bận rộn, không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể dành riêng một khoảng thời gian để quan tâm, chia sẻ với con mình. Tuy vậy, việc này hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần bố mẹ đủ kiên trì và nỗ lực để xây dựng thành thói quen. Bố mẹ có thể tranh thủ những lúc đưa con đi học, đón con về, hoặc những chiều cuối tuần để thực sự trò chuyện cùng con. Cất điện thoại ra một góc, gác những công việc đang dở ở văn phòng lại - trong khoảng thời gian này, con là điều duy nhất bạn cần tập trung. Sự tập trung ấy sẽ khiến con cảm nhận được rằng bạn đang thực sự tôn trọng và quan tâm đến con.

 

 2. Lắng để nghe con nói

Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng mà bố mẹ cần thực hành để kết nối sâu với con mình. Khi bố mẹ có thể lắng nghe con với tâm thế không phán xét, không tìm cách mắng mỏ, lên lớp, đặt bản thân vào vị trí của con, con tự nhiên sẽ cởi mở để chia sẻ với bố mẹ những suy tư, cảm xúc của mình. Những ví dụ thể hiện sự “lắng để nghe” có thể là:

  • “Hôm nay của con thế nào? Con có muốn kể cho bố/mẹ nghe cùng không?”

  • “Thế hả con, rồi sau đó bạn ấy làm gì?”

  • “Bố/mẹ rất tiếc khi biết được chuyện buồn này đã xảy đến với con.”

  • “Nếu là bố/mẹ, chắc bố/mẹ cũng sẽ có cảm giác ấy.”

  • “Bố/mẹ hiểu rằng lúc này con đang cảm thấy áp lực vì mai phải nộp bài tập.”

Những chi tiết này tuy nhỏ thôi, nhưng trong mắt con đó là những lời đồng cảm, động viên rất quan trọng từ bố mẹ để con cảm thấy tự tin hơn, ấm áp hơn. Thật chí lý khi nói rằng lắng nghe là tố chất cốt lõi của tình bạn tốt đẹp (và các mối quan hệ khác) mà!

3. Không đi quá sâu vào những chi tiết của con

Lắng nghe, quan tâm đến con là tốt, tuy vậy phụ huynh cũng cần hiểu rằng như mỗi cá nhân khác, con sẽ có những ranh giới của riêng mình. Không phải chuyện gì con cũng có thể thoải mái chia sẻ, dù là với người thân cận nhất. Bạn cần kiên nhẫn và tôn trọng quyền chia sẻ của con, tránh thúc ép con phải nói ra những điều con không thoải mái. Điều đó sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng và nhẹ nhõm mỗi lần nói chuyện, và chính sự nhẹ nhõm đó sẽ dần khiến con sẵn lòng chia sẻ với bạn nhiều hơn.

 

Chẳng hạn, khi muốn tìm hiểu, quan tâm đến chuyện của con, phụ huynh có thể đặt các câu lựa chọn như:

  • “Con muốn kể cho bố mẹ nghe về buổi tiệc tùng tối qua không?”

  • “Bố/mẹ xin lỗi đã ngắt lời con vì tò mò quá, con tiếp tục kể đi.”

  • “Nếu con không muốn nói với bố/mẹ lúc này thì cũng không sao đâu, bố mẹ hiểu mà. Tùy con nhé.”

 

4. Tránh mắng mỏ con

Khi con mắc sai lầm, phụ huynh cần giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Bố mẹ cần nhớ rằng con sẽ chịu ảnh hưởng bởi những hành xử mà bố mẹ thể hiện với con (nếu bố mẹ mắng mỏ con, con sẽ trút sự mắng mỏ lên một người khác). Có kỷ luật và cương quyết là cần thiết trong các trường hợp nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn có thể la hét vào mặt con. Mắng mỏ chỉ khiến con bạn sợ hãi, tự ti và bị ức chế cảm xúc mà thôi. Lưu ý cho phụ huynh:

  • Lường trước những hành vi không đúng mực của con và đưa ra các giải pháp để con không thực hiện những hành vi đó (ví dụ: khi bố mẹ đang nói chuyện điện thoại, con cần giữ trật tự; nếu con muốn vui chơi và nói chuyện lớn tiếng, con có thể ra sân hoặc vào phòng riêng).

  • Giải thích với con những hành vi này sai trái và cùng con giải quyết (ví dụ: nếu con không chịu dọn dẹp phòng, bố mẹ có thể giải thích về tác động của thói quen thiếu ngăn nắp và cùng con xây dựng lại thói quen ngăn nắp).

  • Nếu bố mẹ cảm thấy mình không kiểm soát được cảm xúc khi nói chuyện với con, bố mẹ có thể giữ im lặng và tạm thời ra một chỗ khác để hít thở sâu, lấy bình tĩnh. 

 

5. Chấp nhận và trân trọng con người của con

Khi phát hiện ra con người thật của con, một số phụ huynh cố gắng tìm cách thay đổi, gò ép để con trở thành phiên bản mà phụ huynh (hoặc xã hội) kỳ vọng. Điều đó chỉ khiến con trở nên tự ti, cô lập và ức chế. Chúng ta cần lưu ý rằng việc con là ai là điều tự nhiên và lựa chọn của cá nhân con - nói cách khác, con đang là phiên bản tốt nhất của chính mình. 

 

Con thích màu gì, muốn mặc gì, thích ai, muốn trở thành ai… đó là những câu hỏi mà con nên là người tự tìm câu trả lời cho mình. Bố mẹ có thể hỗ trợ con trên hành trình khám phá bản thân (self-discovery) đó bằng cách ủng hộ con, tạo động lực và điều kiện thuận lợi, cung cấp cho con thêm thông tin để con đưa ra các quyết định hợp lý (informed decisions)... 

 

Chẳng hạn, khi con chọn một phong cách ăn mặc khác biệt hoặc chọn “come out” (nói ra mình là LGBT+), bố mẹ có thể giúp con hiểu rằng việc này có thể nảy sinh những vấn đề nhất định (con bị bắt nạt, bị quấy rối, phân biệt đối xử…) Tuy vậy, những vấn đề này không phải lỗi của con, bởi lựa chọn của con là hoàn toàn tự nhiên và trung thực với chính mình. Bố mẹ có thể đứng về phía con và cùng con giải quyết các vấn đề nảy sinh này.

 

6. Quan tâm đến những điều con quan tâm

Không nhiều phụ huynh thực sự hiểu được con mình thích gì, đam mê điều gì. Khám phá những mối quan tâm của con không chỉ dừng lại ở việc biết con thích ăn chocolate hay chơi game điện tử, mà còn là nghề nghiệp con muốn theo đuổi, chủ đề kiến thức con hay tìm tòi, hay “mẫu người” mà con thích… 

Những mối quan tâm sâu sắc cần phụ huynh dành nhiều thời gian, tâm sức và sự cởi mở chân thành để cùng con trải nghiệm. Tuy vậy, thời gian trải nghiệm này chẳng bao giờ là lãng phí - bố mẹ chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa vô cùng khi được đồng hành với con mình.

 

7. Thường xuyên đi “hẹn hò” với nhau

Giống như là những người bạn thân thiết vậy! Những cuộc dã ngoại, đi xem phim, đi biển, chơi thể thao… vừa khiến cả gia đình có những phút giây thư giãn vui vẻ, vừa tạo nên khoảnh khắc yêu thương để gắn kết mọi người. “Đời cho ta bao lần đôi mươi”, bố mẹ và con hãy tận dụng và trân trọng những phút giây mình có bên nhau để tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ nhé!

 

8. Thể hiện tình yêu thương bằng hành động

Con (hay bất kỳ ai khác) sẽ khó lòng cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ nếu bố mẹ chỉ giữ kín và không thể hiện ra. Điều này đặc biệt thường gặp đối với những bố mẹ bận rộn, luôn tất tả với việc đi làm và chăm sóc gia đình. Những cử chỉ thể hiện tình yêu thương tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng, bởi nhờ đó, con sẽ cảm nhận được tình cảm từ bố mẹ nhiều hơn và “react” lại bằng những tình cảm tương ứng.

 

Dù có ít hay nhiều thời gian, phụ huynh đều có thể sắp xếp để thể hiện tình yêu thương qua những hành động như:

  • Viết note yêu thương dán lên TV, tủ lạnh, bàn học cho con

  • Gọi điện cho con để trò chuyện khi bố mẹ đi vắng xa nhà

  • Thi thoảng tặng con một vài món ăn, đồ uống

  • Nhớ những ngày kỷ niệm, sinh nhật của con

  • Nói với con “Bố/mẹ yêu con thật nhiều <3”

 

Thời gian mà bố mẹ và con có bên nhau không phải là mãi mãi. Nhưng nếu thời gian ấy được vun đắp bởi những kỷ niệm đẹp và tình yêu thương, nó sẽ trở thành niềm hạnh phúc đi bên con suốt cả cuộc đời. Bố mẹ hãy luôn tôn trọng, quan tâm và yêu thương để biến hành trình làm bạn cùng con trở nên thật hạnh phúc và ý nghĩa nhé!

bottom of page