Chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng, mọi cha mẹ đều yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho các con của mình. Bởi vậy, khi đọc những thông tin trên mạng về các vụ việc xâm hại trẻ em, bậc làm cha mẹ nào cũng không khỏi xót xa và bàng hoàng.
Nhưng các bậc phụ huynh có biết, có những câu nói tưởng chừng vô hại của cha mẹ nói với con mỗi ngày lại có thể là nguyên nhân góp phần tạo ra các vụ việc đáng tiếc cho trẻ.
Cùng WeGrow Vietnam (WE) tìm hiểu 3 câu cửa miệng từ cha mẹ có tiềm ẩn nguy cơ cho con.
"Người ta trêu một tí thì có làm sao"
Hơn 67% các em nhỏ ở nhiều lứa tuổi khác nhau mà WE đã nói chuyện cùng đều đồng ý rằng cha mẹ các em cảm thấy bình thường khi thấy người khác có những hành vi động chạm vào con, như: nắm tay, véo má, thơm má, cắn, bế bổng lên,...
Tâm lý này xuất hiện ở phụ huynh vì họ cho rằng đây là những hành động bình thường mà mình vẫn thường hay làm với con, là những hành động bày tỏ sự yêu thương. Một phần khác, cũng bởi những người có hành vi này thường là những người gần gũi với gia đình nên cha mẹ cũng sẽ không cảm thấy có vấn đề gì.
Nhiều trẻ đã chủ động nói với cha mẹ khi cảm thấy không thoải mái, nhưng lại bị phụ huynh cho rằng đang "nhõng nhẽo", "làm mình làm mẩy", "không thân thiện". Điều đó làm trẻ cảm thấy không được lắng nghe và không biết chia sẻ với ai, từ đó tạo cơ hội cho kẻ xấu làm hại các con. Đây cũng là lý do khiến cho tỉ lệ trẻ em bị xâm hại và lạm dụng bởi người thân ngày một gia tăng tại Việt Nam.
"Con sinh ra từ nách"
Câu nói này còn có rất nhiều các phiên bản khác, như: "Con cò mang con tới", "Mẹ nhặt được ở ngoài đường",... Nhưng hầu hết thì tất cả chúng đều là cách để các phụ huynh tránh né khi con hỏi về việc mình được sinh ra như thế nào.
Những câu nói tưởng chừng như vô hại, thậm chí có phần hài hước và đáng yêu này thực chất lại có thể mang tới nguy hiểm cho con. Trẻ ngày nay ngày càng thông minh, chúng hoàn toàn có thể phân biệt được điều nào là sự thật, điều nào không. Và khi không nhận được câu trả lời thỏa đáng cho sự tò mò của mình, trẻ sẽ bắt đầu tự mình tìm hiểu, dễ dàng hơn cả là thông qua internet. Điều này sẽ khiến trẻ dễ bị các thông tin, văn hóa độc hại lan tràn trên mạng tấn công, gây ra những hậu quả khôn lường.
"Đây là chuyện người lớn"
Với nhiều cha mẹ, con luôn là những đứa trẻ bé bỏng và ngây thơ với cuộc sống. Nhưng rõ ràng, với sự phát triển của công nghệ, những đứa trẻ bây giờ có tầm hiểu biết vượt xa so với suy nghĩ của cha mẹ với chúng.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại lựa chọn nói "đây là chuyện người lớn" để dập tắt các câu hỏi hoặc để lái qua các vấn đề không muốn con biết. Điều này vô hình chung khiến trẻ cảm thấy mình không được coi trọng, và càng muốn chứng tỏ bản thân với cha mẹ.
Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với WE trong nước mắt, rằng để chứng tỏ cho bố mẹ thấy mình là người lớn mà các con đã chủ động hút thuốc, hôn bạn trong lớp,... và hàng tá các hành động đau lòng khác.
Nếu bất chợt nhận ra mình đã hoặc vẫn đang có một trong số những câu nói trên với con, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ nhận ra vấn đề và cố gắng thay đổi để phù hợp với sự phát triển của con. Lắng nghe, chia sẻ, thẳng thắn và kiên nhẫn sẽ là những yếu tố giúp cha mẹ và con cái kết nối với nhau, từ đó giúp cha mẹ đồng hành cùng con trên con đường trưởng thành.
Comments