top of page
LẮNG ĐỂ NGHE - HIỂU VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG CON TRONG NHỮNG CƠN SÓNG CẢM XÚC
105649862_1430907210451200_8701959040568

Tuần trước, trong bài viết số 01 với chủ đề “Nói với con về chuyện người lớn”, WeGrow Vietnam nhận được phản hồi từ một vị phụ huynh. WeGrow Vietnam xin được trích dẫn lại một phần chia sẻ của vị phụ huynh ấy như sau:

“...Mình cảm nhận được vấn đề khi thấy con không bình tĩnh trong lúc nói chuyện với mình. Dù mình chỉ hỏi những câu rất bình thường như “Hôm nay ở lớp con có chuyện gì không”, “Con đang xem sách gì thế”, bạn ấy phản ứng lại một cách cụt lủn, đôi khi còn cau có, tức giận. Thực sự rất buồn và vẫn đang loay hoay không biết mình đang sai ở đâu…”

 

Câu chuyện về những đứt gãy cảm xúc trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con hẳn là điều chúng ta đều đồng cảm sâu sắc. Trong trải nghiệm của vị phụ huynh vừa rồi, có thể thấy bạn nhỏ đã chịu một sự ức chế cảm xúc với bố mẹ mà không được giải tỏa và chia sẻ, dẫn đến việc những cảm xúc ngày càng trở nên tiêu cực, thể hiện ra thành thái độ, hành vi phản ứng với bố mẹ - những thái độ, hành vi thường được dán nhãn là “cau có”, “hư”, “hỗn láo”... Nếu không có sự can thiệp kịp thời, sự đứt gãy của kết nối cảm xúc có thể trở thành bờ vực sâu thẳm chia cách bố mẹ và con, khiến hai bên chẳng thể tìm được tiếng nói chung và sự giải thoát cho người kia và cho chính mình. Như nhà tâm lý học Sigmund Freud nói, “Những cảm xúc không được biểu lộ sẽ chẳng bao giờ mất đi. Chúng chỉ là bị chôn sống và sẽ quay trở lại với hình hài xấu xí hơn.” (“Unexpressed emotions will never die. They are buried alive and will come forth later in uglier ways.”)

 

Ý thức về cảm xúc và nhu cầu biểu lộ cảm xúc của con thực sự không chỉ là một lời khuyên, mà là điều cần phải làm để bố mẹ có thể hiểu và đồng hành với con trên hành trình trưởng thành. Cảm xúc là một hình thái giao tiếp hết sức “nguyên thủy” giữa não bộ và cơ thể. Ở bất cứ lứa tuổi nào, con đều có cảm xúc và có nhu cầu được thể hiện, chia sẻ cảm xúc đó. Trong quá trình khôn lớn, tất cả chúng ta đều cần khả năng thông hiểu và điều tiết cảm xúc của mình (điều tiết, không phải đè nén) để có thể đạt được sự tự tin và hạnh phúc đích thực. Để xây dựng năng lực đó không phải điều đơn giản, bởi ngay cả chính chúng ta, những người trưởng thành, đôi khi cũng chẳng hiểu nổi cảm xúc của mình, chẳng điều tiết được nội tâm những lúc áp lực, giận dữ, lo âu. 

 

Khó là vậy, song năng lực này có thể được bồi đắp bằng một giải pháp cơ bản - sự lắng nghe của bố mẹ. Sự lắng nghe tích cực giúp ta cảm thấy được xoa dịu một cách tự nhiên, và bình tâm hơn để tách mình ra khỏi cơn sóng cảm xúc và quan sát, thay vì bị cuốn theo cơn sóng đó trong vô thức. Sự lắng nghe chủ động, thường trực của bố mẹ sẽ giúp con hiểu rằng những cảm xúc mình có đang hiện diện ra sao, cần được chăm sóc, điều tiết như thế nào. 

 

Vậy lắng nghe con như thế nào là tích cực? Câu trả lời dành cho bố mẹ vốn đã nằm ở bản chất của từ ngữ. Không phải là “nghe”, mà là “lắng nghe”. Lắng để nghe. Điều không nên làm nhất là phản ứng ngay với cảm xúc của con (bằng cách mắng mỏ, chiều chuộng hoặc bỏ qua). Điều nên làm là lùi lại, quan sát và cùng con đi qua cơn sóng cảm xúc. Lắng nghe con nói, công nhận những cảm xúc của con, cùng con gọi tên cảm xúc mình đang có và thảo luận về hướng giải quyết nếu cần. 

 

Khi lùi lại, ta sẽ nhìn thấy một bức tranh lớn hơn để cùng con bước những bước thật vững vàng.

 

P/s: Cùng đón đọc phần tiếp theo của Blog 02 với chủ đề “Nhận diện những cảm xúc và thực hành lắng nghe tích cực” bố mẹ nhé!

 

Đội ngũ WeGrow Vietnam

bottom of page