top of page
tunguyen08

05 điều ứng viên thường bỏ qua khi thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng

Đã cập nhật: 1 thg 11, 2022

Với kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và tuyển chọn nhân sự tại WeGrow Vietnam, anh Tú Nguyễn - Co-founder & Head of Talent Acquisition có một vài chia sẻ với các ứng viên tiềm năng đang mong muốn xây dựng một sự nghiệp triển vọng. Cùng xem 6 điều ghi điểm được anh Tú “tiết lộ” từ góc nhìn của nhà tuyển dụng là gì nhé!



Anh Tú Nguyễn và đội ngũ quản trị của WeGrow Vietnam



1. Trình bày hồ sơ tuyển dụng khoa học


Hồ sơ tuyển dụng (CV và cover letter) là điểm chạm đầu tiên của ứng viên và nhà tuyển dụng, giúp công ty có thể tìm hiểu về con người của ứng viên trước khi đến các vòng tiếp theo. Một bộ hồ sơ tốt cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, rõ ràng, cẩn thận. Rất nhiều ứng viên thường gặp những vấn đề như:

  • Trình bày CV diêm dúa, căn chỉnh không cân đối, mắc lỗi chính tả

  • Đưa các thông tin không thực sự cần thiết (như chiều cao, cân nặng) vào CV

  • Viết cover letter sơ sài, không rõ đầu cuối, không thể hiện được những ý chính về bản thân

Để làm tốt hơn, ứng viên hãy thử đặt mình vào vị trí của người sẽ xem bộ hồ sơ đó: Liệu thông tin trong hồ sơ đã giúp mình hiểu rõ về con người này? Đây có phải là một người chu đáo và cẩn thận? Cảm nhận chung về tác phong làm việc của người này ra sao? Trả lời được những câu hỏi cũng có nghĩa là ta đang tự cải thiện bản thân rồi.


2. Nghiên cứu trước về công ty


Thông tin không bao giờ là thừa. Trước khi đến với bất kỳ vòng nào, hãy luôn trang bị cho mình tư duy tìm tòi, khám phá. Thông tin về sản phẩm, dịch vụ, con người, định hướng phát triển... chắc chắn sẽ có sẵn trên các kênh truyền thông và qua những mối quan hệ xã hội của họ. Khai thác được thông tin sát sườn này, ứng viên có thể dễ dàng chia sẻ những ý tưởng thực tế với công ty, đặt ra những câu hỏi có chiều sâu và tạo được ấn tượng đặc biệt trong mắt người tuyển dụng. "Chẳng hạn, chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ biết cách viết đúng của từ WeGrow Vietnam là như thế nào", anh Tú bật cười khi nhớ lại những tình huống "khó đỡ" từng xảy ra.


3. Phản hồi nhanh chóng với các thông tin mình nhận được


Bạn cảm thấy thế nào khi mình mời ai đó đi ăn tối mà đến chiều vẫn chẳng thấy phản hồi? Nhà tuyển dụng cũng vậy, khi họ gửi ứng viên thông tin về kết quả CV, lịch phỏng vấn hay thư mời làm việc, họ thực sự trân trọng và mong đợi ứng viên sẽ tiếp nhận bằng một sự trân trọng tương tự. Việc luôn “responsive” với nhà tuyển dụng sẽ giúp họ có ấn tượng đầy tích cực về thái độ và phong cách làm việc của ứng viên. Kể cả khi bạn chưa nhận được thư mời làm việc, họ vẫn sẽ nhớ đến bạn và tìm đến bạn trong các cơ hội sau.


4. Có mặt trước giờ phỏng vấn 10 phút


Những ứng viên xuất hiện sát giờ phỏng vấn, đến muộn hoặc xin hoãn lịch phỏng vấn quá gấp thường ít có được sự chuẩn bị tốt và đánh giá cao từ nhà tuyển dụng. Việc chủ động đến sớm không phải là điều quá khó khăn, nhưng sẽ giúp ứng viên có thêm thời gian quý giá để chuẩn bị tinh thần và lường trước những vấn đề phát sinh. Đối với nhà tuyển dụng, sự có mặt trước giờ của ứng viên cũng cho thấy họ nghiêm túc muốn được làm việc tại công ty và là người chỉn chu, có kế hoạch.


5. Không quên nói lời cảm ơn


Cảm ơn không phải là nghĩa vụ, nhưng một bức thank-you letter sau phỏng vấn sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn nhiều trong mắt người tuyển dụng. Không phải ai cũng có thói quen này, dù nó là một thói quen hết sức đơn giản. Lòng biết ơn chân thành sẽ giúp mọi người nhìn ra được phẩm chất của bạn, chẳng cần phải kiểu cách hay cầu kỳ. Rất nhiều trường hợp, chính bức thư cảm ơn lại trở thành cứu cánh đưa bạn trở lại mắt xanh của bộ phận HR đó!



Cần nhiều nỗ lực, trải nghiệm và cả sai lầm để ta dần trưởng thành và trở thành một ứng viên đầy bản lĩnh. Tuy vậy cũng đừng ngại dấn thân chỉ vì thấy mình chưa đủ tự tin với năng lực và kinh nghiệm đang có. Hãy cho bản thân một cơ hội thử sức, và ứng tuyển bằng trọn vẹn "cái tâm" của mình - đó sẽ là lợi thế thuyết phục nhất ngay từ giây phút bạn click nộp CV.




530 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Komentar


bottom of page