Sự phát triển của Công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đã khiến vấn đề bắt nạt trên mạng ngày càng nhức nhối, đặc biệt trong thanh thiếu niên. Vậy bạn cần làm gì khi bị trở thành mục tiêu?
Bắt nạt trên mạng là gì?
Bắt nạt trên mạng là việc bắt nạt hay quấy rối sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên mạng xã hội hay điện thoại di động, là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích làm nạn nhân sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.
Báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố ngày 4/9/2019 cho thấy có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng(1)
Biểu hiện của bắt nạt trên mạng?
Bắt nạt trên mạng có thể bao gồm:
Tung tin đồn nhảm, có tính xúc phạm, đăng những bức ảnh nhạy cảm, riêng tư của nạn nhân lên mạng xã hội.
Cố ý sử dụng tài khoản của nạn nhân để gửi tin nhắn bôi xấu hay châm chọc người khác.
Nhận xét nạn nhân với ngôn từ công kích, thù địch
Gửi tin nhắn đe dọa, gây tổn thương cho nạn nhân hay tin nhắn gợi dục (chưa có sự đồng thuận)
Hậu quả của việc bắt nạt trên mạng?
Bắt nạt trên thế giới ảo nhưng lại để lại hậu quả thật. Những thanh thiếu niên bị bắt nạt qua mạng có thể trải qua cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận, trở nên tự ti, tổn thương nặng nề, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm đau bản thân, thậm chí tự tử.
Hậu quả của việc bắt nạt trên mạng kéo dài và khó lường hơn nhiều so với bắt nạt ngoài đời thật vì nội dung trên mạng xã hội có thể bị phát tán rất nhanh và tồn tại rất lâu khiến nạn nhân rất khó để thoát khỏi nó.
Phải làm gì khi trở thành nạn nhân của Cyberbullying?
1. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn
Khi rơi vào tình trạng bị bắt nạt, việc đầu tiên bạn nên làm là nói chuyện với bố mẹ, giáo viên hay những người thân cận.
1.1. Làm sao để nói chuyện với bố mẹ
Việc nói chuyện với bố mẹ không hề dễ dàng với hầu hết các thanh thiếu niên nhưng đây là điều quan trọng. Bố mẹ có thể gạt câu chuyện của bạn đi vì không hiểu rõ về mạng xã hội và không biết vấn đề nghiêm trọng đến mức nào. Bạn cần lựa chọn một thời điểm thích hợp và từ từ giải thích vấn đề của bạn. Chắc chắn bố mẹ sẽ đồng hành và tìm cách giải quyết cùng bạn.
1.2. Nếu không thể nói với bố mẹ
Bạn có thể tìm đến thầy cô, phòng tư vấn tại trường hay gọi đến tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được trợ giúp.
2. Báo cáo tình trạng trên chính các nền tảng mạng xã hội
Các nền tảng mạng xã hội Facebook/Instagram cho phép bạn báo cáo (report) các nội dung lạm dụng hay bắt nạt một cách ẩn danh và có hướng dẫn để xử lý khi rơi vào tình trạng này. Instagram cũng hỗ trợ bố mẹ và teen làm sao để giải quyết việc bắt nạt trên mạng.
2.1. Các công cụ trên Facebook/Instagram phòng tránh bắt nạt qua mạng
- Công cụ kiểm soát comment dưới bài đăng của bạn.
- Công cụ hạn chế để bảo vệ tài khoản của bạn mà người khác không biết.
3. Báo cáo tình trạng với trường học
Nếu như người bắt nạt bạn là một học sinh khác, bạn có thể báo cáo chuyện này với nhà trường. Thầy cô chắc chắn sẽ tìm cách bảo vệ bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề.
Comments