6 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ SỰ ĐỒNG THUẬN
top of page

6 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ SỰ ĐỒNG THUẬN

Sự đồng thuận đã không còn là một khái niệm xa lạ nữa nhưng liệu bạn đã hiểu đúng, đủ về chủ đề này chưa?


Nguồn ảnh: Unplash


Thế nào là đồng thuận (consent)?


Consent là từ có nguồn gốc từ tiếng Latin, kết hợp giữa 2 chữ con (together) và setire (feeling), ghép lại thành “together feeling”, hiểu nôm na là cả 2 cùng cảm nhận.


Vậy sự đồng thuận (consent) là đồng ý làm những việc liên quan đến tình dục (quan hệ tình dục, vuốt ve, hôn hít) một cách tỉnh táo, tự nguyện và chắc chắn. Tình dục không có sự đồng thuận thì cho dù đối phương là người yêu hay vợ/chồng cũng sẽ bị coi là xâm phạm tình dục hay hiếp dâm.


Sự đồng thuận là quá trình tiếp diễn liên tục


Một người đồng ý quan hệ ngày hôm qua không có nghĩa hôm nay, ngày mai, tuần sau cũng sẽ tiếp tục đồng thuận.


Một người đồng thuận với việc gì đó, không có nghĩa họ sẽ đồng thuận với tất cả mọi thứ, giống như việc bạn ăn bánh oreo nhưng bỏ phần nhân, ai cũng có giới hạn của mình.


Một người có thể đổi ý vào phút chót và đối phương phải tôn trọng điều đó. Dù bạn đã nấu ăn cả buổi nhưng đến cuối người đó không muốn ăn nữa vì bất cứ lý do gì, bạn cũng không được ép buộc.


Đối phương có khả năng đưa ra sự đồng thuận không?


Trong một số trường hợp, việc tự nguyện đưa ra sự đồng thuận cũng không được tính:


- Người say xỉn hay bị bỏ thuốc


- Trẻ em dưới 16 tuổi: Ở Việt Nam, quan hệ thuận tình với trẻ dưới 13 tuổi hay từ đủ 13 đến 16 tuổi đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó là đối tượng chưa có đủ nhận thức rõ ràng về xã hội nên một người trên 18 tuổi nếu nhận được sự đồng tình hay thậm chí khiêu khích cũng phải có trách nhiệm từ chối.


- Người đang bị đe dọa


- Người mắc bệnh tâm lý (tùy vào chẩn đoán của bác sĩ mà biết được họ có thể tự mình đưa ra sự đồng thuận được không)


- Một người có thẩm quyền trên người khác: chẳng hạn như người nổi tiếng với fan, giáo viên với học sinh. Sự hâm mộ, lệ thuộc có thể ảnh hưởng đến quyết định của một người.


Thế nào là Có?


Nguồn ảnh: Pinterest


Các bạn có thể sử dụng các ngôn ngữ cơ thể như gật đầu để đưa ra sự đồng thuận nhưng tốt nhất vẫn là sự xác nhận bằng lời nói “Có”, “Chắc chắn” hoặc đưa ra giao ước về các tín hiệu, ngôn ngữ. Bởi vì dù cơ thể đối phương phản ứng lại với những động chạm của bạn nhưng có thể chính người đó lại không muốn như thế nên hỏi thẳng bằng lời nói “Em/Anh có muốn…” sẽ là sự xác nhận tốt nhất.


Hãy chắc chắn rằng bạn nói “có” vì bạn muốn thế. Trong nhiều trường hợp, việc hỏi đi hỏi lại nhằm thuyết phục đối phương chuyển từ “không” thành “có” có thể khiến đối phương cảm thấy tội lỗi hay mệt mỏi mà miễn cưỡng đồng thuận.


Thế nào là Không?


“Không” là không. Ngoài những từ khóa có ý nghĩa rõ ràng như “Dừng lại”, “Tôi không muốn…”, “Không phải lúc” hay hành động như đẩy đối phương ra thì những câu như “...nếu bạn muốn”, “mình cũng muốn nhưng….” cũng có nghĩa là Không, một người yêu bạn không có nghĩa họ sẽ đồng thuận với bạn.


Đặc biệt, im lặng không phải là đồng ý. Họ có thể đang trong trạng thái mệt mỏi hay thất vọng, không kiểm soát được cảm xúc của mình.


Nếu như bị từ chối thì sao?


Đây là điều bình thường và bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ hay thiếu tự tin về bản thân mình, ngược lại hãy vui vẻ tôn trọng quyết định của đối phương.


Giao tiếp là chìa khóa của mọi vấn đề, mọi mối quan hệ nên hãy cởi mở trao đổi với đối phương, tránh các sự việc không mong muốn xảy ra.


2.449 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page