Hiểu về STRESS trên chặng đường tuổi tác
top of page

Hiểu về STRESS trên chặng đường tuổi tác

Ai nói trẻ con thì không có áp lực gì? "Ngày xưa chỉ lo để được “ăn no, mặc đủ”, giờ thì tụi nó “ăn sung mặc sướng” có gì mà khổ đâu." Chỉ có những người không thực sự muốn hiểu mới nghĩ như vậy. Mỗi giai đoạn lứa tuổi đều có những đặc trưng tâm lí riêng, mỗi cá nhân trong hành trình phát triển đều cần hành xử để thích ứng hay vượt qua mọi vấn đề của của cuộc sống. Tuy nhiên, có đôi lúc, việc vượt qua này không hề dễ dàng, có thể gây ra nhiều stress và làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của cá nhân đó. Bài viết hôm nay, hãy cùng WeGrow khai phá thêm một khía cạnh nữa của chủ đề sức khỏe tâm thần - đó là STRESS.




NỘI DUNG CHÍNH


Nào, ai trong chúng ta chắc hẳn đều ít nhất vài lần thốt lên từ “stress” hay thậm chí vài chục, vài trăm lần ấy chứ. Trong suốt hành trình khôn lớn, trưởng thành không ai không từng bị stress hoặc lâu dài hoặc chỉ ngắn hạn và thông thường chúng ta sẽ vượt qua hoặc thích ứng được với chúng. Sự thật là, stress là phản ứng tự nhiên và cần thiết cho con người, với những loại stress ngắn hạn và mức độ chịu đựng thấp hoặc vừa phải lại mang lại lợi ích cho con người. Cụ thể: chúng giúp cá nhân có cuộc sống năng động, thích thú và có ý nghĩa, nâng cao khả năng phấn đấu và quyết tâm. [1] Tuy nhiên, stress kéo dài hoặc vượt quá sức chịu đựng sẽ khiến cá nhân suy sụp tinh thần hay bị một căn bệnh thể chất nào đó, nghĩa là stress sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe cá nhân bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí dẫn đến cái chết.


Hãy cùng hiểu về stress để có những cách đối phó phù hợp, xây dựng một “hệ thống miễn dịch” khỏe mạnh, lần lượt thông qua các vấn đề sau:


I. STRESS LÀ GÌ? CÁC GIAI ĐOẠN VÀ TẦM MỨC CỦA STRESS


Theo y học, Stress được định nghĩa là một trạng thái căng thẳng và rối loạn của tinh thần hay cảm xúc, đồng thời đưa đến sự xáo trộn các chức năng sinh hoạt sinh lý bình thường của cơ thể trong thời gian cá nhân đang phải chịu sự tác động của một hay nhiều stressor (tác nhân kích thích) [1]. Từ những năm 1953, chuyên gia Hans Seyle đã tìm hiểu phản ứng của cơ thể với stress với tên gọi là hội chứng thích ứng tổng quát (general adaptation syndrome - GAS) [2]. Ông mô tả rằng: khi đối diện với một sự việc việc có tiềm năng đe dọa, tức là cái làm cho mình bị stress, cơ thể con người luôn luôn trải qua một thời gian phấn đấu để thích ứng với nó, rồi sau đó mới đến thời gian cảm thấy sức chịu đựng dần dần suy sụp, kiệt quệ và cuối cùng có thể đi đến bệnh và cái chết. Seyle gọi thời kỳ đầu tiên là phản ứng báo động (alarm reaction) bao gồm các dấu hiệu như gia tăng áp suất máu, nhịp tim, hô hấp… sau đó là các triệu chứng cơ thể như nhức đầu, chóng mặt, sốt, rối loạn tiền đình, tê cứng bắp thịt, v.v… Thời kỳ kế tiếp gọi là phản ứng chống lại (resistance reaction), tức là nếu bộ máy bảo vệ cơ thể vẫn bền vững và chịu đựng chống lại với các stressor (tác nhân kích thích) thì các triệu chứng có thể biến mất. Nhưng nếu phản ứng này diễn ra trong thời gian dài thì năng lượng cơ thể hay sức chịu đựng sẽ bị bào mòn, các bộ phận và chức năng trong cơ thể hư hỏng tới nguy cơ phát bệnh, hay tình trạng này gọi là cháy sạch (burn out) năng lượng, Seyle gọi giai đoạn này là giai đoạn suy kiệt (exhaustion period) [3]. Tóm lại thì, chúng ta có thể nhận biết các dấu hiệu của cơ thể để đo lường mức độ của stress.


Nguồn: Sưu tầm




II. STRESS TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG TUỔI TÁC


Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào từ trẻ đến già, mỗi cá nhân đều phải thích thích ứng hoặc vượt qua stress. Thông thường với những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, được yêu thương bao bọc, có nhiều cơ hội được hướng dẫn và hỗ trợ thì ắt hẳn chúng sẽ phát huy đươc sự tự chủ và khả năng thích ứng lành mạnh trong mọi hoàn cảnh. Ngược lại, nếu đứa trẻ kém may mắn hơn, sống trong sự thiếu thốn, nghèo đói, chịu những bất công, bất hạnh (bắt nạt, ức hiếp, bị lạm dụng, bị bỏ rơi,...), thiếu thốn tình yêu thương hay một môi trường nuôi dưỡng an toàn, lành mạnh chắc chắn chúng sẽ lớn lên với trong sự ngột ngạt của cảm giác stress, uất hận, lệ thuộc, hạn chế trong giao tiếp và các mối quan hệ … Đây chính là ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến đứa trẻ và hệ quả thì sẽ theo chúng suốt cả cuộc đời.


Stress trải dài trên chặng đường tuổi tác [1]:

Với tuổi đi học, trẻ dần thích nghi, tập luyện để xây dựng cho mình cảm giác tự chủ, giải quyết vấn đề. Nếu khả năng học vấn và năng khiếu của đứa trẻ trong thời gian này luôn gặp các “chướng ngại vật” stressor, chẳng hạn như những rủi ro, bất trắc, thất bại, bị tước bỏ cơ hội để phát triển hay liên tục tiếp nhận những điều tiêu cực từ bên ngoài v.v… thì đứa trẻ ấy về sau rất có thể hụt hẫng, có những khiếm khuyết hoặc thậm chí hư hỏng về các mặt tư duy và tình cảm, hay lệch hướng trong các mối quan hệ.


Nguồn: Sưu tầm


Với tuổi vị thành niên, thời gian này có thể gặp rất nhiều tác nhân kích thích stressor làm ảnh hưởng nguy hại đến ý thức về bản thân trẻ. Tình trạng stress - căng thẳng ở độ tuổi này thường xoay quanh các vấn đề, như cuộc sống thiếu thốn, đơn côi, không được đến trường, thiếu sự chấp nhận của bạn bè đồng trang lứa, không có bạn để tâm tình (đây là những điều “tối kỵ” ở tuổi này do đặc điểm tâm lý ở giai đoạn này cực kỳ coi trọng, thậm chí “tôn sùng” mối quan hệ bạn bè), hay không nhận được sự giúp đỡ từ mạng lưới xã hội, v.v… Sống trong những tác nhân này quá lâu, cá nhân trẻ dễ mắc rối loạn tâm lý, những lo âu, muộn phiền và có thể kích thích cảm giác nổi loạn, chống đối.


Nguồn: Sưu tầm


Với tuổi thanh niên, tuổi đương đầu với những “đầu sóng ngọn gió” yêu cầu những trách nhiệm trọng đại như công ăn việc làm, lập gia đình rồi nuôi nấng con cái, v.v…Nếu những dự định, mong muốn của cá nhân giai đoạn này gặp bất trắc, không được đáp ứng hoặc đi ngược với thực tế thì cá nhân sẽ nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực như cảm giác bất lực, cảm giác bị bỏ rơi, cay đắng, phẫn nộ vì không có ai hỗ trợ, giúp đỡ. Những stressor bám dai dẳng cuộc sống của thanh niên dễ khiến đời sống tinh thần trở nên sa sút, tiêu cực, bế tắc.

Không những vậy, những stressor đó tiếp tục dai dẳng như thế, đeo đuổi cá nhân trong suốt thời gian tuổi trung niên. Cá nhân sống trong phiền muộn, sầu bi, bất mãn, đố kỵ, sức khỏe theo đó giảm sút, bệnh tật tìm đến và tàn úa trước thời gian.

Nguồn: Sưu tầm


Đến tuổi già, stressor thường là cảm giác hụt hẫng, mất quyền uy và vai trò xã hội, mất khả năng kiếm tiền, con cái rời xa gia đình, mất mát người thân, bạn bè và cơ thể bắt đầu trở nên yếu đuối, chậm chạp, bệnh tật,... Càng nhiều stressor đeo bám thì tuổi già càng trở nên khó khăn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần


Nhìn vào dòng chảy của thời gian bên trên có thể khẳng định rằng: stressor không chừa một đối tượng nào, không bỏ quên bất kỳ ai bởi đơn giản thôi, nó là một phần của cuộc sống. Chỉ khi chúng ta để nó thay ta “làm chủ” cuộc đời thì thật sự vô cùng mệt mỏi.


III. KẾ HOẠCH XÂY DỰNG 'HỆ THỐNG MIỄN DỊCH" KHỎE MẠNH



Nguồn: Sưu tầm


3.1. Giảm thiểu tình huống bị stress

Chúng ta không thể không gặp stress trong cuộc sống, hãy nhớ chúng cũng có những lợi ích nhất định khi “đủ liều lượng”, stress cũng có thể đến bất cứ lúc nào nhưng nếu biết cách để mình không rơi vào tình huống trực tiếp đối đầu với các stressor thì thực sự cần thiết. Nghe có vẻ vô lý nhưng sẽ rất có lý nếu thực hiện được cách sau. Điều duy nhất và quan trọng nhất đó là chủ động, sắp xếp thời gian sinh hoạt phù hợp: ngày ăn đủ 3 bữa, ngủ đủ khoảng 7-8 tiếng, uống đủ 2 lít nước, tập thể dục, cân đối thời gian làm việc và giải trí.





3.2. Giảm thiểu các phản ứng sinh lý của stress

Nói đi rồi lại phải nói lại, điều đơn giản ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được.

  • Điều quan trọng xin được nhắc lại 3 lần : Tập thể dục. Tập thể dục. Tập thể dục.

  • Giấc ngủ luôn luôn phải đầy đủ khoảng 7-8 tiếng

  • Nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy tận dụng thời gian để “nuông chiều” những sở thích của bản thân mình. Đây là những điều thực sự rất cần thiết.



3.3. Tích cực trong nhận thức và hành động để chống lại stress

Con người có thiên kiến tiêu cực (Negativity bias) nghĩa là chỉ tập trung vào những điểm tiêu cực. Tuy nhiên đời thay đổi khi ta thay đổi, không phải lúc nào ta cũng gặp thuận lợi trong cuộc sống nhưng không có nghĩa là cuộc sống luôn một màu đen như vậy. Hãy tích cực trong nhận thức và hành động để chống lại stress. Việc này không phải nói là làm ngay được nhưng không phải không thể làm được. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Và khi những vấn đề mình không thể tự giải quyết được đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của người khác. Nhớ rằng: Bạn không hề đơn độc, xung quanh bạn là một hệ thống có sẵn những sự hỗ trợ.



Tài liệu tham khảo:

[1] TS.Phạm Toàn. Tâm bệnh học. NXB Trẻ.

[2] Seyle H: The general adaptation syndrome syndrome and the diseases of adaptation, Clim Endocrinol 6:117, 1946.

[3] Seyle H: The Stress of Life Ed 2, New York, 1976, McGraw-Hill.


262 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page