top of page
Ảnh của tác giảWeGrow Vietnam

TẠI SAO CON BẠN HỌC KHÔNG GIỎI?

Khi con bắt đầu đi học phổ thông, nhiều cha mẹ rất sốt sắng với chuyện học của con, ít cũng mong con tiếp thu tốt, hiểu bài, mà nhiều phần thì mong con học giỏi, chăm học, và xa hơn nữa là có thành tích học tập, như đạt điểm cao, những giải thưởng trong các cuộc thi, như xếp thứ hạng cao trong trường trong lớp. Nhưng có nhiều bạn nhỏ không đạt được những kì vọng điểm số và thành tích của bản thân hay gia đình, và điều này khiến cho nhiều phụ huynh tự hỏi: “Tại sao con chúng ta lại học không giỏi?” và “Chúng ta có thể thay đổi điều này hay không?”. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân của hiện tượng này là gì, cũng như phụ huynh có thể làm gì khi thấy con gặp khó khăn trong học tập.


Làm sao để con trở thành học sinh giỏi?

NỘI DUNG CHÍNH


















I. Ba hiểu lầm thường gặp của phụ huynh khi con không đạt kì vọng trong học tập:


1. Con vô kỉ luật, thiếu tinh thần vượt khó




Hiểu lầm thường gặp đầu tiên, là phụ huynh sẽ dễ cho rằng: con lười là tại con, do tính kỷ luật của con không cao, do con vô trách nhiệm, trốn tránh nhiệm vụ, ngại khó khăn mà chỉ thích những điều dễ dàng.


Từ suy nghĩ này, phụ huynh dễ áp dụng các biện pháp như kiểm soát hoạt động của con, siết chặt kỷ luật bên ngoài - như là giám sát con học, kiểm soát thời gian con sử dụng thiết bị di động,...


Cách gia tăng áp lực này có thể làm giảm hành vi trốn tránh học tập của con trên bề mặt, nhưng không thực sự giải quyết tâm lí ngại học, xa lánh việc học, mà còn tạo ra thêm tâm lí sợ, ghét học, tâm lý rằng mình đang học vì phụ huynh. Đồng thời, con còn xuất hiện các biểu hiện như chống đối phụ huynh, nói dối, xa lánh, làm rạn nứt mối quan hệ phụ huynh - con cái.


Chúng ta cần phải nhìn thấy rõ ràng rằng: “Con thiếu kỉ luật, thiếu tinh thần vượt khó” chỉ là một hệ quả, không phải nguyên nhân gốc rễ của việc con chán học.


2. Con thua kém về năng lực tiếp thu




Hiểu lầm thường gặp thứ hai là: nếu các bạn nhỏ đã chăm chỉ mà vẫn không đạt kết quả tốt trong học tập, phụ huynh dễ đi đến kết luận là do con tiếp thu chậm, con cần kèm cặp thêm. Nói chung là năng lực của con đang ở mức thấp.


Thế là phụ huynh đăng kí cho con học thêm, đổi thầy đổi cô, mua nhiều sách vở. Phụ huynh thậm chí bỏ thời gian ra ngồi kèm cặp con, nhưng kết quả có thể vẫn không khá hơn là mấy. Đứa trẻ từ đang nỗ lực tự thân giờ chịu thêm áp lực bên ngoài, phụ huynh thì nghĩ rằng mình đang giúp đỡ con, còn con thì thấy bố mẹ đã biến việc học thành khối lượng công việc khổng lồ mà con phải gánh, làm mất khoảng thời gian sinh hoạt vui chơi, nghỉ ngơi. Từ đó gây suy giảm hứng thú học tập và thực sự ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ - chính là những phần của năng lực tiếp thu mà phụ huynh đang cố bồi thêm cho con mình.


Những đứa trẻ này thì không sợ đòn roi từ phụ huynh, mà thường sợ phụ huynh thất vọng và phí hoài công sức. Các em biểu hiện ra ngoài không phải bằng hành vi chống đối mà là các hành vi cam chịu, kìm nén, có xu hướng che giấu cảm xúc và chia sẻ với rất ít người, do không có thời gian lẫn không biết cách thức kiến tạo mối quan hệ xã hội. Đã có nhiều em học sinh dạng này khóc và nói rằng con chỉ sợ bố mẹ thấy vọng vì bố mẹ đưa đón con đi học thêm, dạy cho con ở nhà, mà kết quả bài kiểm tra của con vẫn không cao.


Cần phải nhìn thấy rằng: việc con không phát huy được năng lực tiếp thu không phải nguyên nhân cho việc con chán học, mà là hệ quả của việc con đang trải qua các cách thức học tập chưa phù hợp.


3. Con rất giỏi nhưng môi trường xung quanh không công nhận con, không ủng hộ, không phát huy được con.


Phụ huynh đưa ra nhận định này có xu hướng “tại bè bạn tại thầy cô, tại trường tại lớp chỉ không tại mình” cho rằng mọi vấn đề con gặp phải trong học tập là do môi trường không công chính, do năng lực giáo viên dạy con không đủ, do tất cả những yếu tố ngoại cảnh mà không phải do con hay gia đình.


Với suy nghĩ này, phụ huynh có xu hướng liên tục thay đổi nơi học, người dạy cho con, nhưng khó tìm được nơi nào ưng ý, do thực hành dạy học và triết lí giáo dục của các cơ sở giáo dục và cá nhân hiện tại tương đối tương đồng.


Đồng thời, đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cách nhìn đổ lỗi cho người khác, từ chối thừa nhận khuyết điểm của bản thân, hình thành cái nhìn tiêu cực về đời sống. Khi không còn ai để đổ lỗi, trẻ sẽ đổ lỗi cho cha mẹ, hành xử như thể cha mẹ đã làm mình khổ, trong khi cha mẹ cảm thấy bản thân đã nỗ lực giải quyết hết vấn đề cho con mình.


Cần phải nhìn thấy rằng: Đúng là môi trường học tập góp phần quan trọng trong việc tiếp thu của trẻ, nhưng không thể giải quyết vấn đề chán học, khó phát huy tiềm năng của trẻ chỉ bằng việc thay trường đổi lớp.


II. Vậy thì nguyên nhân thực sự nằm ở đâu?


1. Trẻ cảm thấy xa lạ với việc học:



Hiện tượng xa lạ với lao động - mà cụ thể ở đây là việc học, đã được triết gia nổi tiếng Karl Marx gọi là sự tha hoá - cảm thấy không làm chủ, không có tự do, không có gắn kết với hoạt động nào đó. Trẻ em khi học, không cảm thấy mình cần phải học cái này, do không hiểu lí do tại sao phải học và tính ứng dụng của điều đang học là gì. Nếu một đứa trẻ hỏi bạn: “Bố mẹ ơi, học để làm gì ạ? Tại sao phải học ạ?” bạn sẽ trả lời như thế nào? Có phải là những câu như: “Để có công việc con ạ”, “Để nuôi bản thân”, hay là những câu khác như “Để có kiến thức”, “Để sống”,...những câu mà trẻ nghe xong chỉ “biết là thế” chứ không thực sự “hiểu” và “thấu” sự cần thiết của việc học? Hay tệ hơn, bạn sẽ nghĩ trẻ hỏi như vậy vì ghét học, vì muốn trốn học, và mắng trẻ, làm mất đi cái mầm tư duy phê phán (critical thinking) mới trồi lên mà biết bao nhiêu người sau này đi đắp bồi không được?


Cảm thấy xa lạ với việc học dẫn đến hành vi tránh học. Những đứa trẻ khi tò mò muốn biết về chủ đề nào đó, chúng đều học rất hăng say. Học qua Youtube, học qua bạn bè, học qua những câu hỏi trên mâm cơm, học ở bất kì nơi đâu, tạo thành những sự học không có giảng đường. Nhưng khi chúng cảm thấy những thứ phải học chỉ là nghĩa vụ phải làm, đó sẽ là lao động cưỡng bức, mà con người nào có ai thích bị cưỡng bức bất kì điều gì. Cưỡng bức làm cho việc học trở nên xa lạ, không có kết nối gì, trẻ chỉ làm cho xong, hoặc không làm. Đó là khi con học qua loa, hay trốn học, là khi con không làm bài về nhà, là khi con không muốn nói đến chuyện học. Chỉ có giải quyết được cảm giác xa lạ với sự học mới có thể khiến con trân trọng sự học, cảm giác làm chủ việc học và cảm giác việc học có ý nghĩa với mình.


2. Trẻ không nhận được phương pháp giáo dục phù hợp:


Mỗi đứa trẻ có những tiềm năng riêng mà bài kiểm tra trên lớp khó đo đếm, thậm chí chương trình học đường khó mà phát hiện ra để bồi đắp. Hơn thế nữa, kể cả có phát hiện được tiềm năng của con, cũng chưa chắc gia đình có điều kiện để đào tạo.


Theo lí thuyết về phân loại người học theo đa dạng năng lực tiếp thu, nếu như con tiếp thu tốt hơn khi nhìn hình ảnh (loại học sinh visual learning) thì tất yếu con sẽ khó theo kịp các bạn nếu lớp học chủ yếu là nghe giảng và chép chữ. Nếu như con tiếp thu tốt hơn thông qua vận động (loại học sinh physical learning) thì việc con khó tiếp thu trong lớp học đóng kín, ngồi yên, là điều bình thường. Trong lớp học bao giờ cũng có tất cả các dạng học sinh, nhưng không phải điều kiện giáo dục lúc nào cũng cho phép để các bạn có môi trường hỗ trợ như nhau trong học tập. Với phương pháp giáo dục phổ thông phổ cập, những bạn tiếp thu dạng ngôn ngữ kí tự như chữ viết, tiếng đọc sẽ có lợi thế hơn do môi trường học đem lại. Vì thế phụ huynh cần hiểu, nếu các bạn nhỏ này có thành tích cao hơn cũng là điều bình thường do sự thiết kế môi trường giáo dục.


Theo lí thuyết 10 - 20 -70 của việc phát triển các chương trình giáo dục, 70% hiệu quả là người học tự nghiên cứu và phát triển, 10% là thời lượng học tập được hướng dẫn và 20% là thời gian thực hành, làm bài tập. 70% tự nghiên cứu rất quan trọng nhưng hiện tại ít được lưu tâm, mà trong thực tế với lượng thời gian học thêm của học sinh, 70% hiệu quả này chiếm chỉ khoảng 30% thời lượng học sinh học. Do vậy, học sinh rất khó đạt đến tiềm năng thực sự của mình hay của chính chương trình giáo dục.


3. Điều kiện học tập chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố hơn là bản thân trẻ:


Vì nhiều lý do, trong đời sống hàng ngày, chúng ta dễ quy kết kết quả học tập của trẻ phụ thuộc đơn thuần vào “các yếu tố bẩm sinh”: trẻ sinh ra thông minh, có tính cách chăm chỉ thì sẽ học tốt, không thì ngược lại. Nhưng dễ thấy ngay, một đứa trẻ dù chăm chỉ, có tư chất thông minh đến mấy nhưng không có thời gian để học bài, làm bài, do phải làm việc nhà, đi kiếm sống,... thì khó có mà phát triển. Đó là chưa kể những nhân tố khác có thể giúp trẻ thăng tiến thang bậc xã hội nhưng đòi hỏi những điều kiện nhất định: phụ huynh cần phải thu xếp tài chính thì mới cho con đi học thêm được, có quan hệ mới có thể cho con học những giáo viên có tiếng, có thời gian mới có thể đưa đón con,...


Nếu trẻ được nuôi dạy với những khuynh hướng nhất định và những xu hướng đó ăn khớp với các ưu tiên của hệ thống, trẻ sẽ càng gặp nhiều thuận lợi. Ví dụ một trẻ có phụ huynh làm giáo viên, được kèm cặp, đầu tư việc học thêm các môn trong trường lẫn học đàn hát từ nhỏ, có kết quả tốt thì khi trẻ tới trường, trẻ sẽ dễ giành được sự chú ý và ưu ái của giáo viên, mở ra nhiều cơ hội mới cho trẻ.


Như vậy, chúng ta đã thấy, không chỉ vốn kinh tế, thời gian ảnh hưởng đến việc học của trẻ, mà cả vốn “xã hội” (ví dụ như mạng lưới xã hội của phụ huynh giúp trẻ có cơ hội tốt, các kỹ năng, chuẩn mực văn hoá mà trẻ hấp thu được ưu ái bởi hệ thống) - một khái niệm đã được nhà xã hội học nổi tiếng Pierre Bourdieu đưa ra.


III. Phải làm gì để con hạnh phúc hơn trên hành trình học tập?


1. Giảm thiểu sự xa lạ với việc học:


Mặc dù nguyên nhân sâu xa của vấn đề ở tầm vĩ mô, chúng ta có thể góp phần giảm thiểu sự xa lạ với việc học thông qua nỗ lực hành động hàng ngày. Sự xa lạ với việc học có nguyên nhân gốc rễ từ thiết kế của hệ thống giáo dục toàn cầu, một hệ thống giáo dục không chú trọng vào phát triển và giải phóng con người, mà chú trọng vào việc đào tạo ra những cỗ máy vận hành thị trường lao động. Có thể tóm tắt mục tiêu của nền giáo dục toàn cầu trong một câu: “Con chúng ta rồi sẽ phải lớn lên đi làm, và để có lương cao thì nó cần phải học.”


Với mục tiêu như thế này, giáo dục đã bị tước hết khả năng phê phán, niềm vui khám phá và năng lực sáng tạo. Cách vận hành lớp học theo kiểu “giáo dục nhà băng” theo cách nói của nhà sư phạm vĩ đại Freire trong cuốn “Lý thuyết sư phạm phê phán” (Pedagogy of the Oppressed - nghĩa đen là “Lý thuyết sư phạm cho những kẻ bị áp bức”), đã và đang củng cố mục tiêu này, làm học sinh xa lạ với việc học và mất khả năng phê phán, phản tỉnh. “Giáo dục nhà băng” là khi người dạy truyền lại các phán quyết, hay còn gọi là các “sự thật” khoa học ngàn đời xuống cho người học, người học chỉ lượm lấy chúng và chất đầy túi mà không thể tư duy để hiểu, để phản bác hay để đồng tình với các tri thức ấy. Trong chính gia đình cũng có kiểu “giáo dục nhà băng” này. Phụ huynh nói với con rằng con cần phải biết cách chào hỏi, mà không cho con được thắc mắc tại sao, cũng không giải thích được tại sao. Phụ huynh không nói với con về em bé được sinh ra như thế nào khi con hỏi, và cũng không giải thích được tại sao mình không nói. Khi người truyền dạy nắm độc quyền quyết định thông tin nào sẽ được nói ra, và buộc người nghe phải chấp nhận, đó là lúc người nghe không cảm thấy giáo dục là cần thiết với mình, chỉ giống như nhồi sọ mà thôi.


Học viên WeGrow Vietnam học tập qua trải nghiệm

Để thực hành việc xoá bỏ “giáo dục nhà băng”, Freire đề xuất cách giáo dục “đi từ vấn đề” (problem proposing), trong đó ai cũng là người đưa ra vấn đề và mọi người cùng nhau đưa ra hướng giải quyết. Ví dụ con bạn gặp vấn đề là: “Con sẽ bị đói khi ở nhà một mình”, cả nhà sẽ cùng nhau đưa ra các cách giải quyết, đi từng bước trên lộ trình tư duy. Đầu tiên là vì sao con lại đói, do con không tìm thấy đồ ăn hay do con không biết nấu, do đồ ăn hết con không biết đi mua, hay gì khác. Sau đó là học các kĩ năng cần thiết như nấu ăn, đi chợ, dọn dẹp,...để giải quyết vấn đề. Rộng ra hơn, giả sử bố mẹ có một vấn đề là cần tính xem đi từ nhà đến nhà bà nên dùng phương tiện gì để bà đỡ chờ lâu, thì con sẽ cần sử dụng kiến thức về quãng đường, vận tốc và thời gian để đưa ra lựa chọn. Từ đó con sẽ thấy mình cần phải học toán vận tốc, và cứ như thế xây dựng tiếp với các vấn đề phức tạp hơn.


Mỗi ngày, cha mẹ có thể cùng con thảo luận về khoảng 3 vấn đề theo cả lộ trình tư duy từ kiến thức - vấn đề hoặc từ vấn đề - kiến thức, để giúp con gắn kết sự học với sự hiểu, liên tục duy trì cảm giác làm chủ việc học thay vì sự xa lạ.


2. Giáo dục phẩm chất thông qua sự ghi nhận:


Hãy khen phẩm chất, và phê bình hành vi. Khi con thực hiện được những hành vi tốt, hãy khen “con thật là một người…”. Khi con có hành vi chưa tốt, hãy nói: “Hành vi này của con…”. Trao cho trẻ niềm tin vào chính mình.


Phụ huynh và học viên WeGrow Vietnam tương tác trong hoạt động kết nối gia đình

3. Khám phá cách tiếp thu của con và hỗ trợ:


Phụ huynh cần tìm ra xem trẻ tiếp thu tốt nhất trong điều kiện nào và thực hiện mô phỏng các điều kiện đó tối đa. Nếu con tiếp thu tốt bằng hình ảnh, có thể cùng con vẽ lại những điều con đã học, tìm kiếm các sản phẩm giáo dục nhiều hình ảnh. Nếu con cần nhiều vận động, hãy cùng con vừa vui chơi vừa nghe con kể lại bài học hôm nay.


Mỗi đứa trẻ có cách tiếp thu kiến thức khác nhau

4. Thảo luận cùng con về việc học:


Lắng nghe xem con nghĩ gì về việc học, con có sự sắp xếp như thế nào, hãy để con là người dẫn dắt cuộc thảo luận và phụ huynh là người hỗ trợ, gợi ý, phản biện, đóng góp ý tưởng và cách thực hiện cho những điều con nói.


Phụ huynh và học viên WeGrow Vietnam thảo luận về dự án học tập

5. Định nghĩa lại “học giỏi”


Nếu học giỏi chỉ là thành tích, là thi đỗ trường này lớp kia, thì việc học của con sẽ chỉ là một cuộc đua vô nghĩa. Học giỏi là khi con say mê khám phá, con có năng lực tư duy, cảm thấy gắn bó với việc học và trên hết là hạnh phúc trên hành trình học tập của mình.


Con nên được cảm thấy hạnh phúc trên hành trình học tập của mình

IV. Lời cuối


Chuyện giáo dục hạnh phúc cần sự vận động từ rất nhiều cấp độ xã hội. Xin tri ân tới mỗi phụ huynh, mỗi đơn vị giáo dục, mỗi thành viên xã hội đã và đang rất nỗ lực cho hành trình này. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất xã hội còn kìm giữ nhiều tiến bộ, chúng ta vẫn có thể đóng góp cho hành trình này mỗi ngày, có thể chỉ từ một câu hỏi:


“Con có thấy yêu việc học không?”













430 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page