top of page

VÌ SAO TRẺ TUỔI DẬY THÌ DỄ TRẦM CẢM?

Gần đây, theo dõi báo đài, phương tiện thông tin đại chúng, chắc hẳn rất nhiều phụ huynh cảm thấy bàng hoàng, xót xa và không khỏi lo lắng trước những vụ việc liên tiếp thanh thiếu niên t.ự t.ử vì trầm cảm. Nhiều phụ huynh vẫn luôn băn khoăn rằng, các con mới chỉ đôi mươi, tương lai còn dài rộng phía trước, cớ sao chúng lại nghĩ quẩn đến vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gì khiến con trẻ tuổi dậy thì dễ bị trầm cảm như vậy.


" Các con mới chỉ đôi mươi, tương lai còn dài rộng phía trước, cớ sao chúng lại nghĩ quẩn đến vậy?"


NỘI DUNG CHÍNH

I. TRẦM CẢM Ở THANH THIẾU NIÊN LÀ GÌ?



Nguồn: Sưu tầm



Rối nhiễu trầm cảm (hay còn gọi là Rối nhiễu đơn cực) là một trong hai dạng của Rối nhiễu khí sắc (cảm xúc). Chúng ta sẽ cùng làm rõ những khái niệm sau:

Khí sắc được hiểu là trạng thái cảm xúc tương đối ổn định được biểu hiện ở sắc thái hành vi, cử chỉ của con người. Trong đó, Trầm cảm (Depressive mood) là khí sắc “trầm” (ức chế về cảm xúc) đặc trưng bởi cảm xúc buồn bã, chán nản, thất vọng, tuyệt vọng. Ngược lại, Hưng cảm (manic) là khí sắc “hưng” (hưng phấn) đặc trưng bởi sự phấn khích, sôi nổi và tăng cường hưng tính trong cảm xúc.


Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (The National Institute of Mental Health) định nghĩa: Rối nhiễu trầm cảm ở thanh thiếu niên được đặc trưng bởi sự kết hợp của các triệu chứng làm cản trở khả năng làm việc, ngủ, học tập, ăn uống và hứng thú của một người. Rối nhiễu trầm cảm làm mất khả năng hoạt động bình thường của một người. Một giai đoạn trầm cảm có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, nhưng nó có thể thường xuyên tái phát trong suốt cuộc đời của một người [1].


II. DẤU HIỆU TRIỆU CHỨNG CỦA TRẦM CẢM Ở THANH THIẾU NIÊN


Nguồn: Sưu tầm


Người lớn đôi khi không nhận ra các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên vì rối loạn này có thể trông khá khác so với rối loạn ở người lớn [2]. Trong khi người lớn trầm cảm thường nói về nỗi đau tinh thần thì thanh thiếu niên trầm cảm có xu hướng nói về những cơn đau về thể chất . Các con có thể nói với bố mẹ về cơn đau đầu, các vấn đề về dạ dày hoặc nói rằng con cảm thấy không khỏe, tuy nhiên khi khám sức khỏe sẽ không phát hiện được bất kỳ vấn đề nào [2]. Chúng ta vẫn thường nói, tuổi dậy thì là tuổi “ẩm ương”, con “sớm nắng chiều mưa” cha mẹ không biết phải “chiều ý” con như thế nào. Tuy nhiên, hãy chú ý đến những dấu hiệu triệu chứng của trầm cảm sau đây để nhận biết sự thay đổi của con liệu có đang bình thường hay không:


2.1. Các biểu hiện về cảm xúc:

  • Buồn (tự nhiên khóc)

  • Cáu kỉnh, bực bội, tức giận với cả những điều rất nhỏ nhặt.

  • Không quan tâm, thích thú với các hoạt động thường ngày.

  • Không quan tâm/mâu thuẫn với bạn/người thân.

  • Cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, kém cỏi; luôn nghĩ đến những trải nghiệm thất bại để tự đổ tôi, chỉ trích bản thân.

  • Quá nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến sự bác bỏ, thất bại, đòi hỏi nhiều sự an ủi, động viên.

2.2. Các biểu hiện về nhận thức/suy nghĩ:

  • Có vấn đề về suy nghĩ, chú ý, ra quyết định, ghi nhớ.

  • Luôn cảm thấy tương lai ảm đạm, mờ mịt.

  • Hay nghĩ đến cái chết và tự sát.

2.3. Các biểu hiện hành vi:

  • Mệt mỏi, thiếu sinh khí.

  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều, ngủ li bì

  • Ăn ít, giảm cân hoặc ăn nhiều, tăng cân.

  • Nghiện ngập (rượu, ma túy).

  • Bồn chồn không yên.

  • Suy nghĩ, nói, cử động chậm chạp.

  • Thường xuyên kêu đau/mệt không có lý do rõ ràng.

  • Học kém, bỏ học.

  • Không để ý hình thức.

  • Hành vi gây rối, nguy hiểm.

  • Hành vi tự xâm hại, tự làm đau bản thân.

Cha mẹ có thể dễ nhớ hơn về những triệu chứng của trầm cảm thông qua “Space Drags” như sau:

S leep disturbance (mất ngủ/khó ngủ)

P leasure/interest (lack of) (mất hứng thú, không hài lòng)

A gitation (bồn chồn)

C oncentration (giảm khả năng tập trung)

E nergy (lack of)/fatigue (thiếu năng lượng/sinh khí)

D epressed mood (giảm sắc khí/buồn rầu)

R etardation movement (Vận động trì trệ)

A ppetite disturbance (Chán ăn)

G uilt, worthless, useless (Cảm thấy có lỗi, vô dụng, vô giá trị)

S uicidal thought (Nghĩ đến cái chết, tự sát)


Tuy nhiên, mệt mỏi, buồn chán,... đều là những cảm xúc hết sức bình thường của mỗi người, tuổi dậy thì các con có những cảm xúc bất thường cũng đều hoàn toàn bình thường, không phải cứ vội thấy một trong những dấu hiệu trên mà cha mẹ đã vội kết luận về bệnh lý của con. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), tiêu chí chẩn đoán một ai đó trầm cảm phải đảm bảo: nếu tối thiểu 5 trong số các triệu chứng trên xuất hiện trong suốt 2 tuần; phải có triệu chứng 1 hoặc/và 2 (1.Tâm trạng buồn bã, chán nản gần suốt ngày, mỗi ngày; 2.Giảm hứng thú, giảm hài lòng vui thích với hầu hết hoạt động trong ngày, mỗi ngày.) [3]. Để đánh giá chính xác tình trạng của trẻ, cha mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ để nhận hỗ trợ và kết quả chính xác nhất thay vì tự đưa ra chẩn đoán của mình.


III. VÌ SAO TRẺ TUỔI DẬY THÌ DỄ TRẦM CẢM


Để trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần hiểu về sự phát triển đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì (tuổi thiếu niên). Giai đoạn dậy thì hay còn được gọi là: Thời kỳ "quá độ", "tuổi bứt phá" "tuổi khó khăn", "tuổi khủng hoảng"… đã nói lên tính phức tạp và quan trọng của quá trình phát triển diễn ra trong lứa tuổi thiếu niên này.


Về thể chất, sự phát triển đột biến về cơ thể một cách nhanh chóng nhưng không đồng đều, với đặc trưng là sự dậy thì là yếu tố chi phối mạnh mẽ sự phát triển tâm lý tuổi thiếu niên. Về giao tiếp, nhu cầu hướng ngoại phát triển mạnh, hoạt động học giao tiếp với bạn và sự tác động của các phương tiện thông tin đa chiều là những tác nhân quan trọng trong quá trình phát triển của tuổi thanh niên. Đây là thời kì biến động nhanh, mạnh, đột ngột, có những đảo lộn cơ bản. Từ đó dễ dẫn tới tình trạng mất cân đối, không bền vững của các hiện tượng tâm lý, đồng thời cũng là thời kì chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong sự phát triển. [4]


Nguồn: Sưu tầm


Tóm lại, giai đoạn dậy thì là giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển của cá nhân. Đồng thời cũng là giai đoạn khó khăn trong công tác giáo dục. Đòi hỏi người lớn phải có sự quan tâm đặc biệt, sư hiểu biết, kiên nhẫn và tinh tế trong ứng xử.


Thông thường, người lớn nghĩ nguyên nhân trầm cảm ở trẻ là do việc học hành nhiều áp lực, không tìm thấy tiếng nói chung với cha mẹ hoặc cơ thể có những thay đổi khiến con cảm thấy lo lắng dẫn đến trầm cảm. Đúng nhưng chưa đủ. Trẻ tuổi dậy thì dễ mắc rối loạn trầm cảm còn do những yếu tố sâu xa khác. Phần tiếp theo của bài viết sẽ liệt kê các nguyên nhân cụ thể khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm, cha mẹ cần tìm hiểu để giúp giúp con “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.


3.1. Sự thay đổi hóc-môn bên trong cơ thể:


Khi đạt đến tuổi dậy thì, các yếu tố sinh học can thiệp mạnh vào quá trình phát triển của trẻ. Một lượng lớn hóc-môn giới tính được tiết ra kích thích vào sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan sinh dục, xuất hiện những đặc tính giới thứ cấp và những nhu cầu giới trở lên cấp thiết [4].


Một nghiên cứu đã chỉ ra sự ảnh hưởng khác biệt của giới tính đến trầm cảm như sau: Ở tuổi dậy thì, nồng độ estrogen của bé gái - một loại hormone sinh dục nữ thường tăng đột biến và có thể góp phần làm gia tăng khả năng trầm cảm. Ngược lại, testosterone - hormone sinh dục nam - tăng lên ở các trẻ nam trong tuổi dậy thì lại không liên quan đến chứng trầm cảm [5].


3.2. Sự thay đổi, phát triển về thể chất:


Sự phát triển đột biến về thể chất một cách nhanh chóng không đồng đều ở tuổi dậy thì dễ dẫn tới tình trạng mất cân đối. Thời điểm này, trẻ lớn nhanh, mụn mọc nhiều, mọc lông ở các vùng cơ thể, cơ quan sinh dục phát triển… Đặc biệt, con gái xuất hiện kinh nguyệt, con trai dương vật cương cứng, có thể sản xuất tinh dịch và tinh trùng, báo hiệu khả năng sẵn sàng sinh sản. Đây đều là những biểu hiện rất bình thường ở tuổi dậy thì, dấu hiệu cho thấy cơ thể các con đang phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng được trang bị những kiến thức này. Đặc biệt với bé gái, hiện tượng kinh nguyệt - máu chảy ở vùng âm đạo khiến không ít bạn nhỏ hoảng sợ, lúng túng, thậm chí sốc và nghĩ mình mắc bệnh sắp c.h.ế.t. Vì vậy, ở giai đoạn này nếu con không được chuẩn bị tâm thế, tinh thần trước khi dậy thì rất có thể trẻ sẽ xấu hổ, sợ hãi, hoang mang. Và cùng với những biến đổi, đảo lộn đột ngột trong giai đoạn này, trẻ sẽ rất dễ trầm cảm, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động học tập và hoạt động đời sống hàng ngày.


3.3. Thời điểm bắt đầu dậy thì có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ trầm cảm:


Trẻ "phát triển sớm" hoặc "phát triển muộn" có thể biểu hiện các triệu chứng trầm cảm nhiều hơn so với những trẻ cảm thấy chúng phát triển cùng thời điểm với các bạn cùng lứa tuổi. [1] Điều này có thể được giải thích như sau: Độ tuổi tuổi dậy thì trung bình của con gái là 8-14 tuổi và con trai là 9-15 tuổi. Quá trình dậy thì thông thường kéo dài từ 5-7 năm, có người bắt đầu dậy thì rát sớm, từ 8-9 tuổi, có người muộn hơn, bắt đầu từ 15 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì quá sớm hoặc quá muộn so với bạn bè cùng trang lứa, trẻ sẽ dễ cảm thấy cơ thể mình phát triển không bình thường. Từ suy nghĩ đó dễ nảy sinh tâm lý tự ti, lo lắng, xấu hổ trong thời gian dài, điều này hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào trầm cảm.


3.4. Căng thẳng, áp lực trong cuộc sống:


Giai đoạn này, hoạt động học tập và giao tiếp bạn bè là hoạt động chủ đạo của trẻ.

Về hoạt động học, sự dậy thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nói chung, học tập nói riêng của thiếu niên. Do tác động của các yếu tố dậy thì dẫn đến tâm trạng của trẻ không ổn định, dễ mệt mỏi và chán nản… [4]


Về giao tiếp, có sự “cải tổ” rõ rệt khi giao tiếp với người lớn và giao tiếp ngang hàng. Một số đặc điểm sau đây, có thể là nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, áp lực trong giai đoạn dậy thì. Trong giao tiếp với người lớn, các con có khát vọng được độc lập, được khẳng định, không thích sự quan tâm, can thiệp của người lớn, không thích có sự kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ của người lớn trong cuộc sống và trong học tập, trong công việc riêng của các con [3]. Nếu khát vọng không được thoả mãn, sẽ nảy sinh ở thiếu niên nhiều phản ứng có tính chất đa dạng, mạnh mẽ, dẫn tới quan hệ không ổn, tạo nên xung đột trong quan hệ giữa thiếu niên với người lớn. Thiếu niên có thể cãi lại người lớn, bảo vệ quan điểm, ý kiến riêng bằng lời nói, việc làm, chống đối người lớn hoặc bỏ nhà ra đi… Còn đối với người lớn thường có thái độ và cư xử với con như với trẻ nhỏ dẫn đến những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, dần dần tạo ra khoảng cách. Mặt khác, thiếu niên có xu hướng cường điệu hoá, kịch hóa các tác động của người lớn trong ứng xử hàng ngày [3]. Những điều này kéo dài đều có thể trở thành tác nhân khiến các con trầm cảm. Trong giao tiếp ngang hàng, đây là lứa tuổi đang khao khát tìm một vị trí ở bạn bè, tập thể, muốn được sự công nhận của bạn bè [3].Trong cuộc sống hàng ngày thiếu niên không thể không có bạn. Các con có những rung cảm nặng nề nếu quan hệ với bạn bị nghèo nàn hay nếu con bị mất bạn. Sự tẩy chay của bạn bè có thể nảy sinh những hành vi tiêu cực như phá phách, gây hấn, gây áp lực, căng thẳng cho thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguy cơ khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm buồn trong thời gian dài.


Căng thẳng và áp lực trong cuộc sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ



3.5. Các yếu tố nguy cơ:


Ngoài những nguyên nhân trên, trầm cảm ở tuổi dậy thì cũng có xảy ra khi có một số yếu tố nguy cơ như tổn thương thực thể ở não bộ (chấn thương sọ não, viêm não, u não,…), rối loạn các chất nội sinh bên trong não bộ, tiền sử gia đình bị trầm cảm, tính cách nhút nhát, tự ti, hay lo âu, sống khép kín, thiếu kỹ năng giao tiếp, trẻ có từng có tiền sử mắc các rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi,…


WeGrow hy vọng một vài điều trên có thể giúp cha mẹ hiểu hơn về trầm cảm ở tuổi dậy thì của thanh thiếu niên. Cảm ơn cha mẹ đã chia sẻ câu chuyện để chúng tôi được lắng nghe, được đồng cảm và đồng hành trên hành trình cùng con trẻ khôn lớn. Hành trình ấy quả thực không hề dễ dàng, không đơn giản là con được ăn món gì, được mặc quần áo gì, được học trường nào… quan trọng nhất là những bước đi đồng hành của cha mẹ.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lauren DiMaria. Depression During Puberty [Internet]. Verywell Mind; 2021 [cited 2022Sep12]. Available from: https://www.verywellmind.com/depression-during-puberty-1067561

[2]Amy Morin. How Teenage Depression Differs From Adult Depression [Internet]. Verywell Mind; 2021[cited 2022Sep12]. Available from: https://www.verywellmind.com/how-teenage-depression-differs-from-adult-depression-2608882

[3] Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition

[4] Dương Thị Diệu Hoa. Tâm lí học phát triển, NXB Đại học Sư Phạm, Hà Nội.

[5] Parker G, Brotchie H. Gender differences in depression. International Review of Psychiatry. 2010;22(5):429-436. doi:10.3109/09540261.2010.492391


215 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page